Website BĐS số 1 Đà Nẵng

  • Liên hệ Hỗ trợ đăng tin  0931 88 9699

Làm ơn! Đừng thổi giá Bất động sản Đà Nẵng nữa!

ngay_dang 29/04/2017 loại tin Tin Thị Trường ngay_dang admin

KimDia.com - (29/4/17) Nhận thấy thị trường Bất động sản Đà Nẵng đang có nhiều biến động khó nhận biết thật giả nên với kinh nghiệm và kiến thức hạn hẹp của mình, tôi xin gửi đến các bạn một vài ý kiến và phân tích liên quan đến việc làm giá, bơm tin PR đang diễn ra trên thị trường bất động sản tại Đà Nẵng hiện nay.

 

1. Quy luật Thị trường Bất động sản:

 

Quy luật chung của thị trường bất động sản là có lên và có xuống như bao nhiêu lĩnh vực khác nhưng sự lên xuống của thị trường bất động sản có những đặc điểm riêng khá nổi bật. Nhiều người nói rằng thị trường bất động sản lên xuống như hình Sin-Cos, có nghĩa là khi lên cực đỉnh thì sẽ bắt đầu xuống và khi xuống tận đáy thì bắt đầu lên lại.

 

Thông thường bất động sản sau khi tăng giá đến một điểm nào đó thì thị trường sẽ rớt giá và đóng băng (giao dịch giảm dần, ít người mua mà nhiều người bán dẫn đến giá giảm nhanh).

Còn thị trường bất động sản tăng giá thông thường tổng hợp từ 02 yếu tố là sau khi thời gian dài đóng băng hoặc thời gian dài bình ổn cộng với sự phát triển của nền kinh tế, như ở Đà Nẵng là phát triển du lịch.

 

Những nhà đầu tư, đầu cơ bao giờ cũng mong muốn giá bất động sản tăng cao nhất có thể vì họ đang nắm giữ một số lượng bất động sản hoặc là họ mua đi bán lại, cứ mua vào giá tăng cao rồi bán lại thì đường nào cũng có lời.

 

Khu đất ven biển trước Trung tâm Hành chính quận Ngũ Hành Sơn chỉ trong vòng 2-3 tháng cận tết 2017 đã tăng giá từ 300-400%

 

2. Chiêu thức thổi giá:

 

Vì thị trường bất động sản nóng, tăng giá rất có lợi cho các nhà đầu tư, đầu cơ, các "cò" bất động sản nên nhóm đối tượng này luôn có những chiêu thức để mong muốn thổi giá bất động sản tăng cao.

 

Những chiêu thức này có thể là những chiêu "show hàng" (trên facebook, chém gió,...) để chứng minh thị trường bất động sản đang có lời như vừa mới bán được vài lô đất, những hình ảnh kèm theo bọc tiền chứng tỏ bất động sản đang được mua bán nhộn nhịp,... Nói chung có những hình ảnh là thật, nhưng cũng không ít hình ảnh là giả. Nhưng khi mọi người nhìn vào như thế rất dễ bị lôi cuốn và ... đôi khi lòng tham nổi lên và cũng muốn đầu tư, cũng muốn lướt sóng thử một vài lô đất, căn hộ xem sao vì thấy kiếm tiền dễ quá mà.

 

Còn đối với các Chủ đầu tư dự án bất động sản thì thường xuyên "bơm" bài PR (bài báo nói tốt về dự án, thị trường bất động sản,...) để tạo dựng lòng tin cho đám đông. Nếu tinh ý các bạn dễ dàng nhận thấy không ít bài viết trên các trang báo lớn hay tung hộ về thị trường bất động sản Đà Nẵng như "Đây là thời điểm vàng để đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng" hay như "5 lý do bạn nên đầu tư bất động sản tại Đà Nẵng",... và thông thường trong những bài báo như vậy luôn nêu tên một vài dự án nào đó để hướng người mua quan tâm và tìm hiểu về dự án đó.

Bài viết PR không có gì là xấu nếu như tất cả mọi người đọc nhận biết đâu là một bài viết được thuê để viết PR, đâu là một bài viết phân tích khách quan của nhà báo. Hi vọng sau này đọc báo bạn nên phân biệt được đâu là một bài viết bỏ tiền để PR, đâu là một bài viết khách quan.

 

Tại sao việc thổi giá là nguy hiểm?

 

Việc tăng giá một cách tự nhiên, tăng theo một tỷ lệ tương ứng với sự phát triển của nền kinh tế là điều tốt đẹp, đáng mừng nhưng nếu tăng trưởng quá cao không dựa trên giá trị thực của nền kinh tế thì thật sự nguy hiểm. Vì theo như quy luật thị trường bất động sản thì khi giá tăng lên một mức cực đỉnh thì sẽ giảm giá, đóng băng gây nên những thiệt hại cho những người mua bất động sản ngay trước đó và ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế, và việc làm.

Ví dụ như có những con người mua lô đất 1 tỷ và vay Ngân hàng 700 triệu, nhưng sau đó bất động sản rớt giá chỉ còn chưa tới 400 triệu thì bạn sẽ thấy được thiệt hại của người ta rồi đúng không!

 

3. Tâm lý đám đông, lòng tham và những con thiêu thân:

 

Việc thổi giá bất động sản bắt nguồn từ những nhà đâu tư, đầu cơ, "cò" đất nhưng việc thổi giá được thực hiện thành công lại phụ thuộc vào đám đông những con người tham lam và mê muội, đã bị đồng tiền làm mờ mắt nên không còn nhận biết được những nguy hiểm của thị trường hoặc lờ đi và bất chấp tất cả. Sập trong cái bẫy "thổi giá" này thông thường là những "tay ngang" của thị trường, những người chưa am hiểu thị trường và tham gia thị trường bất động sản khi mà giá đang lên cao trước khi bong bóng bất động sản vỡ ra. Gây ra thiệt hại ít thì có thể mất đi một số tiền tiết kiệm trong vài năm hoặc cả đời mới tiết kiệm được hoặc nhiều hơn thì bị tán gia, bại sản, bị nợ nần bao quanh.

 

Vì thế có thể dễ dàng nhận thấy, nếu như đám đông không quá tham lam để bị mờ mắt bởi đồng tiền thì sẽ khó bị sập bẫy được.

 

Khu Tân Trà tuy nằm ven biển nhưng khá xa trung tâm Đà Nẵng cũng được thổi giá tăng từ 200-400%, đặc biệt là những lô đất nằm dọc đường chạy ra bãi tắm công cộng Tân Trà.

 

4. Lý do viết bài này!

 

"Tại sao tôi lại viết một bài như thế này! Tôi làm bất động sản mà! Chẳng lẽ tôi không muốn thị trưởng tốt lên để tôi được hưởng lợi ah!"

 

Có lẽ sẽ có nhiều người hỏi như vậy! Nhưng bản thân tôi có những triết lý kinh doanh của riêng mình. Tôi mong muốn thị trường bất động sản tốt lên theo nền kinh tế chứ không phải "tốt lên" theo kiểu bơm tin, thổi giá.

 

Tôi đã chứng kiến những cơn sóng đỉnh điểm của bong bóng Bất động sản những năm 2010 ở Đà Nẵng và sau đó từ năm 2011 cho đến 2014 là sự đóng băng, và rớt giá đến hơn 1 nửa giá trị của bất động sản. Tôi cũng đã chứng kiến những người vay ngân hàng để mua một lô đất để dành nhưng sau khi bất động sản rớt giá thì tiền nợ ngân hàng còn cao hơn giá trị lô đất. Và cả những người dân bị giải toả mà bán 2,3 lô đất mà vẫn không làm nổi một cái nhà cho đàng hàng vì giá đất rớt quá thấp. Việc lên xuống của thị trường là chuyện bình thường nhưng nếu thị trường bị một "nhóm" nào đó thao túng thì sẽ gây ra rất nhiều hệ luỵ cho xã hội và nền kinh tế nói chung, mà Đà Nẵng thì không quá mạnh mẽ và rộng lớn để có thể chống đỡ được.

 

Cái triết lý kinh doanh của tôi đơn giản là không cố gắng bán bất động sản bất chấp thủ đoạn mà là giúp cho những khách hàng của mình hiểu biết thị trường, am hiểu đầu tư bất động sản để có những quyết định đúng đắn. Tôi tin là sẽ có những khách hàng tin tưởng ở tôi để có thể đồng hành cùng họ trong những thương vụ đầu tư, mua bán bất động sản sau này.

 

Và hơi to tát một chút là, tôi làm điều đó vì tôi không muốn Đà Nẵng này bị ai đó phá nát! Vì Đà Nẵng quá đẹp và nó là quê hương của tôi! Tôi yêu nó và tôi tin những người khác cũng yêu nó!

 

5. Lời kết:

 

Trong chúng ta, ai cũng có khao khát làm giàu hết nhưng cũng không nên bất chấp hết thủ đoạn được và đặc biết là không nên quá tham lam để bị mờ mắt và bị "xỏ mũi" theo giới truyền thông. Chúng ta cần phải tỉnh táo và không bị cuốn vào tâm lý đám đông.

 

Trong những thời gian gần đây, khi trường bất động sản Đà Nẵng bắt đầu tăng giá thì xuất hiện rất nhiều những "tay ngang" - những người lần đầu tiên đi buôn bất động sản, với tâm lý là muốn "lướt sóng" bất động sản, muốn đặt cọc để sang cọc với tâm lý kiếm lời vài trăm triệu chỉ trong "vài nốt nhạc" thì bảo sao thị trường không sốt, không bị các "cò" thổi giá lên 200%, rồi 300%, thậm chí những lô đất có vị trí đẹp ven biển Sơn Trà hoặc Ngũ Hành Sơn được thổi giá lên đến tận 400%.

 

Tôi hi vọng mọi người hãy tỉnh táo để không bị cuốn vào vòng xoáy thổi giá, làm giá của các tay buôn bất động sản chuyên nghiệp và nhiều tiền. Khi thị trường quá nóng thì ta nên chậm rãi quan sát một thời gian đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay của thị trường Bất động sản tại Đà Nẵng, đặc biệt là các khu vực ven biển.

 

>> Xem thêm: Nhà đất Đà Nẵng giảm giá mạnh

 

John Phan - CEO Địa ốc Kim Địa Đà Nẵng (KimDia.com)